SẢN PHẨM CHÍNH

Sản phẩm mủ cao su thiên nhiên: SVR 3L đạt tiêu chuẩn TCVN 3769: 2016.

SVR 3L

Sản phẩm mủ cao su thiên nhiên: SVR CV60 đạt tiêu chuẩn TCVN 3769: 2016.

SVR CV60

Sản phẩm mủ cao su thiên nhiên: SVR CV50 đạt tiêu chuẩn TCVN 3769: 2016.

SVR CV50

Sản phẩm mủ cao su thiên nhiên: SVR 10 đạt tiêu chuẩn TCVN 3769: 2016.

SVR 10

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG MỘT SỐ NÔNG SẢN CHỦ LỰC THÁNG 2/2019

1. Lúa gạo

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 năm 2019 ước đạt 399 nghìn tấn với giá trị đạt 169 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 837 nghìn tấn và 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2019 đạt 446 USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Philippin đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 năm 2019 với 46,7% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2019 đạt 222,8 nghìn tấn và 91,2 triệu USD, tăng 53,8% về khối lượng và tăng 41,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 1 năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Hongkong (gấp 3,3 lần), Úc (gấp 2,4 lần), Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (tăng 85,5%), Gana (tăng 47,9%) và Philippine (tăng 41,6%).

 

Về loại gạo xuất khẩu, trong tháng 1 năm 2019, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 64% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 23%; gạo nếp chiếm 9% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 4%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Phillipines (68%), Cuba (20%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Bờ Biển Ngà (21%), Ghana (14%) và Malaysia (11%). Hồng Kông là thị trường xuất khẩu gạo nếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 54% tổng khối lượng gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc (20%) và Phillipines (13%). Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Papua Quần đảo Solomon (15%) và Papua New Gunie (9%).

Đầu tháng 2/2019, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến giảm trong bối cảnh thu hoạch vụ Đông Xuân đang vào vụ rộ, trong đó giá lúa tại Kiên Giang giảm mạnh nhất. Nguyên nhân giá lúa giảm là do các thị trường nhập khẩu truyền thống như Trung Quốc, Philippin chưa mua vào. Trước tình hình đó, ngày 19/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc tiêu thụ lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL. Trước đó 1 ngày (ngày 18/02/2019), Bộ Nông nghiệp và PTNT và các doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi, thống nhất về việc nhập khẩu gạo của Việt Nam. Đến ngày 22/2, tại TP HCM, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao quốc gia Sơn Đông - Trung Quốc (FVC) đã ký kết Biên bản ghi nhớ xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc (gồm 70.000 tấn gạo tẻ và 30.000 tấn gạo nếp). Việc thực hiện thỏa thuận này sẽ được hai bên tiến hành trong nửa đầu năm 2019. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc mua tạm trữ gạo, cùng với thông tin Trung Quốc sẽ nhập 100 nghìn tấn gạo, giá lúa gạo tại ĐBSCL đã có những diễn biến tích cực. Giá lúa tươi IR 504 ở mức 4.300 - 4.350đ/kg vào ngày 19/2 đã liên tục tăng trong các ngày sau, cho đến những ngày cuối tháng 2/2019 giá lúa đã tăng lên và ổn định ở mức 4.500 - 4.600đ/kg.

Sau Tết, các doanh nghiệp chưa chủ động, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường lớn nhất xuất khẩu gạo của Việt Nam là Trung Quốc xuất hiện thách thức mới. Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống như Phillipines, Indonesia đều đã nhập khẩu nhiều trong năm ngoái và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm.

Malaysia cũng vừa tăng 5% diện tích sản xuất lúa gạo với mong muốn giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các tổng công ty lương thực thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; và cần tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu cho Philippines 200.000 tấn gạo và xuất khẩu 100.000 tấn gạo cho Trung Quốc. Ngoài ra, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng phải làm việc trực tiếp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của DN để phối hợp, có giải pháp tháo gỡ cụ thể như: xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện để thu mua kịp thời lúa gạo tại khu vực ĐBSCL trong thời gian tới. Đến cuối tháng 1/2019, dư nợ cho vay lúa gạo của toàn ngành Ngân hàng ước đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo với dư nợ ước khoảng 28.000 tỷ đồng. Tại Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long” ngày 26/02/2019, các ngân hàng thương mại nông nghiệp đã cam kết cho vay đối với sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất 6%/năm. Đến nay, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần làm giảm áp lực thị trường, giá lúa gạo tại ĐBSCL có những diễn biến chuyển động tích cực.

 2.  Sắn

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 2 năm 2019 đạt 183 nghìn tấn với kim ngạch 66 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 2 tháng đầu năm 2018 đạt 457 nghìn tấn với kim ngạch 166 triệu USD. Theo đó, giảm 20,1% về khối lượng và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2018. Xét về cơ cấu sản phẩm, tháng 2/2019, tinh bột sắn chiếm 75,8% và sắn lát chỉ chiếm có 24,2% tổng khối lượng xuất khẩu, trong khi, năm 2017, tinh bột sắn là 55,2% và sắn lát là 47,8%. Xét về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93,1%, theo sau là Philippin là 2,6%, Malaysia là 1,3%. Trong đó, so với cùng kì năm 2018, Trung Quốc giảm 31,9% về lượng và 18,6% về giá trị, Malaysia giảm 9,6% về lượng và 4,3% về giá trị; tuy nhiên, Philipin tăng 7,7% về lượng và 23,2% về giá trị. Như vậy thấy rằng, nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm về xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 2/2019 là do sự sụt giảm về cầu nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc. Thực tế, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ. Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia Sinograin thông báo đã giảm được 100 triệu tấn ngô trong năm 2018, khiến giá ngô trở nên cạnh tranh hơn dẫn tới sự sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm do nước này tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan, đồng thời, kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 2/2019 của Việt Nam đạt 363 USD/tấn, tăng 18,4% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn tiếp tục tăng nhẹ, đạt 430 USD/tấn tương ứng tăng 4,2% so với cùng kì năm 2018. Trong khi, do cầu sắn lát của thị trường Trung Quốc ảm đạm và nguồn cung dồi dào khi đang trong mùa thu hoạch đã kéo giá xuất khẩu sắn lát bình quân của Việt Nam trong tháng 2/2019 đạt 157 USD/tấn, giảm 18,2% so với cùng kì năm trước.

Mặc dù, Trung Quốc đang thực hiện Kế hoạch thúc đẩy mở rộng sản xuất và sử dụng ethanol với mục tiêu sử dụng 10 triệu tấn ethanol E10 vào năm 2020 sẽ đẩy nhu cầu sắn tăng gấp đôi (ước tính tỷ lệ 2-2,3 kg sắn cho 1 lít ethanol). Thêm vào đó, đồng Baht tiếp tục tăng giá so với đồng USD, giúp giá sắn của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với giá sắn Thái Lan trên thị trường Trung Quốc. Triển vọng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc các nhà sản xuất có sẵn sàng chấp nhận rủi ro tiếp tục phụ thuộc vào nhu cầu tại thị trường Trung Quốc và chính sách xả ngô dự trữ của nước này (Hiện nay, lượng ngô dự trữ của Trung Quốc còn khoảng hơn 100 triệu tấn) hay hướng tới các giải pháp như: giảm diện tích trồng sắn, nâng cấp chất lượng sắn phục vụ ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi hơn là chỉ tập trung vào việc cung cấp nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất ethanol của Trung Quốc.

3.      Rau quả

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 2 năm 2019 ước đạt 229 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2019 đạt 584 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 1 năm 2019 với 72,6% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong tháng 1 năm 2019 đạt 257,6 triệu USD, giảm 12,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 1 năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Hàn Quốc (tăng 68,2%), Hà Lan (tăng 60,2%), Úc (tăng 54,8%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (tăng 36,8%).

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 2/2019 đạt 101 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 275 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 62 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 207 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong tháng 1/2019 là thị trường Thái Lan (chiếm 35,2% thị phần), Trung Quốc (chiếm 23,6%). Trong tháng 1/2019 giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2018 ngoại trừ thị trường Mianma (giảm 28,8%) và thị trường Thái Lan (-16,3%). Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Israel (+10,2 lần)

Tháng 2/2019 được xem là tháng có nhiều biến động về thị trường rau và trái cây bởi tác động của kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài. Vào thời điểm đầu tháng đa phần các loại rau, củ và trái cây đều tăng giá do nhu cầu tăng mạnh nhưng sau kỳ  nghỉ lễ giá các mặt hàng này đều giảm mạnh. Nguyên nhân là do lượng cung nhiều nhờ thời tiết thuận lợi trong khi không có sự gia tăng đột biến về nhu cầu. Tại Lâm Đồng, giá nhiều loại rau củ như cà chua, bắp cải, cải thảo, xà lách đều giảm mạnh từ 5.000-10.000đ/kg so  với đầu tháng. Tại Hà Nội, giá rau củ quả hiện chỉ bằng một  nửa hoặc 1/3 so với trước Tết.

Trong tháng 2/2019, Hoa Kỳ vừa cấp phép nhập khẩu xoài tươi của Việt Nam, là loại trái cây thứ 6 được xuất khẩu vào thị trường này (sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa). Năm 2018, Hoa Kỳ là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất – khoảng 37% so với năm 2017. Dự báo năm 2019 xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ tiếp tục sẽ có tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu thêm xoài.

4.      Cà phê

Xuất khẩu cà phê tháng 2 năm 2019 ước đạt 143 nghìn tấn với giá trị đạt 285 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm 2019 đạt 326 nghìn tấn và 610 triệu USD, giảm 7,5% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2019 đạt 1.765 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 năm 2019 với thị phần lần lượt là 13,4% và 10%.

Tháng 1/2019, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường tăng trưởng khả quan so với tháng trước đó, trừ hai thị trường chính là Đức và Mỹ. So với tháng 1/2018, lượng cà phê xuất khẩu sang Ý tăng 18,9%, Tây Ban Nha tăng 43,%, Nga tăng 66,8%, Nhật Bản tăng 13,9%. Mặc dù giảm, nhưng Đức vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất trong tháng 1/2019 với lượng xuất khẩu đạt 25,92 nghìn tấn, trị giá 43,6 triệu USD, giảm 8,9% về lượng và 15,8% về giá trị. Xuất khẩu cà phê sang thị trường lớn thứ hai là Mỹ cũng giảm mạnh trong tháng 1/2019. Xuất khẩu cà phê sang Mỹ đạt 18,25 nghìn tấn, tương đương 31,44 triệu USD, giảm 25% về lượng và 31,7% về giá trị.

 

 

Trong 10 ngày giữa tháng 2/2019, giá cà phê Robusta nhân xô trong nước giảm theo đà giảm giá cà phê toàn cầu. So với ngày 9/2/2019, giá cà phê Robuta nhân xô giảm từ 0,9 – 1,5%. Ngày 18/2/2019, giá cà phê Robusta nhân xô thấp nhất là 32.700 đ/kg tại các huyện Di Linh và Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng); mức cao nhất là 33.400 đ/kg tại huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk; tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta loại R1 giảm 1,2% so với ngày 9/2/2019, giao dịch ở mức 34.300 đ/kg, ổn định so với ngày 18/1/2019.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có triển vọng rõ rệt khiến giá hai sàn cà phê kỳ hạn tiếp tục sụt giảm kéo theo đà giảm giá trong nước tuần qua. Theo báo cáo, lượng mưa tốt ở các vùng cà phê Arabica chính của Brazil trong vài ngày qua cũng góp phần giảm giá sàn kỳ hạn tại New York.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) (cập nhật ngày 6/2), trong tháng 12/2018, thế giới xuất khẩu 10,43 triệu bao cà phê, tăng 0,9% so với tháng 12/2017. Tính chung trong 3 tháng đầu tiên của niên vụ 2018/19, tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả thế giới tăng 8,1% lên 30,91 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica của Colombia tăng 5% lên 3,97 triệu bao, xuất khẩu cà phê robusta tăng 4,5% lên 10,28 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê Arabica của những nước khác giảm 6,4% xuống 4,96 triệu bao. Giá cà phê xuất khẩu đang ở mức thấp nhưng có thể sẽ quay đầu tăng trở lại vào giữa năm.

5.      Tiêu

Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 2/2019 ước đạt 12 nghìn tấn, với giá trị đạt 35 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 31 nghìn tấn và 92 triệu USD, tăng 4,3% về khối lượng nhưng giảm 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu xuất khẩu bình quân tháng 1/2019 đạt 2.943 USD/tấn, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 năm 2019 là Mỹ (đạt 13,1 triệu USD), Ấn Độ (5,3 triệu USD), Pakistan (3 triệu USD) và Hà Lan (2,6 triệu USD) với 42,3% thị phần.

Mặc dù giá tiêu xuất khẩu bình quân tháng 1/2019 sang các thị trường còn thấp, và giảm so với cùng kỳ năm 2018, nhưng lượng xuất khẩu lại tăng đáng kể ở hầu hết các thị trường chính. Do đó, giá trị xuất khẩu tiêu sang nhiều thị trường đã tăng đáng kể. Đáng chú ý nhất là thị trường Đức, với xuất khẩu tiêu tháng 1/2019 sang thị trường này đạt 597 tấn, tương đương 2 triệu USD, tăng 188,4% về lượng và tăng 59,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu tiêu sang thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất của tiêu Việt Nam cũng tăng mạnh cả về lượng và giá trị, với mức tăng lần lượt là 60,8% và 9%.

Thị trường hạt tiêu trong nước biến động giảm trong tháng 2/2019. So với tháng trước, giá tiêu tại Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai và Đồng Nai giảm 2.000 đ/kg xuống  còn 43.000 – 44.000 đ/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu giảm 1.000 đ/kg xuống còn 45.000 đ/kg. Giá tiêu vẫn đang trong xu hướng giảm là do ảnh hưởng từ số lượng lớn hạt tiêu tồn kho toàn cầu. Hàng năm, sản lượng hồ tiêu được báo cáo là tăng đáng kể ở hầu hết các quốc gia, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ toàn cầu chỉ cho thấy sự gia tăng nhẹ. Sự chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu dẫn tới sự tăng cao của lượng tồn kho, đẩy giá tiếp tục giảm.

 

 

Trong tháng tới, giá tiêu được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm xuống và nhiều khả năng xuống tới mức chỉ còn khoảng 40.000 đ/kg, do nguồn cung hồ tiêu toàn cầu đang tiếp tục được bổ sung khi mà Việt Nam và Ấn Độ, 2 quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn, đang trong mùa thu hoạch mới.

6.      Điều

Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 2/2019 ước đạt 12 nghìn tấn với giá trị 98 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 2 tháng đầu năm 2019 đạt 44 nghìn tấn và 365 triệu USD, giảm 3,1% về khối lượng và giảm 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tháng 1/2019 đạt 8.136 USD/tấn, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 33%, 15,6% và 10,4% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Trong khi đó, khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 2/2019 ước đạt 53 nghìn tấn với giá trị đạt 98 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị hạt điều nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 110 nghìn tấn và giá trị đạt 189 triệu USD, giảm 23,8% về khối lượng và giảm 43,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trên thị trường trong nước tháng 2/2019, giá điều khô diễn biến giảm. Cụ thể, tại Bình Phước điều khô mua xô giảm 3.000 đ/kg, từ mức 42.000 đ/kg xuống còn

39.000 đ/kg; tại Đắc Lắc giảm 4.800 đ/kg từ 46.800 đ/kg xuống còn 42.000 đ/kg; trong khi đó, tại Đồng Nai ổn định ở mức 46.000 đ/kg. Giá điều nhân tại Bình Phước cũng giảm, với điều nhân loại W240 ở mức 280.000 đ/kg, giảm 9.000 đ/kg; điều nhân loại W320 ở mức 260.000 đ/kg, giảm 10.000 đ/kg so với tháng trước.

Giá hạt điều tháng 3 được dự kiến sẽ vẫn trong xu hướng giảm, do vẫn đang là thời điểm thu hoạch của nhiều nước sản xuất hạt điều lớn như Brazil, Indonesia, Benanh, Nigieri... Tuy nhiên, bước sang quý 2, giá hạt điều có thể sẽ phục hồi trở lại nhờ nhu cầu hạt điều tăng của Trung Quốc và một số nước nhập khẩu khác. Theo dự báo của Ủy ban Quả và Hạt khô quốc tế, nhu cầu hạt điều năm nay sẽ tăng mạnh từ tháng 4/2019 và ổn định cho tới cuối năm. Giá điều năm 2019 cũng được kỳ vọng sẽ cao hơn năm 2017 và năm 2018.

Theo các chuyên gia dự báo, năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức nhưng cũng đầy triển vọng đối với ngành điều Việt Nam. Mặc dù được nhà nước quan tâm và cũng đã đạt được những thành công nhất định nhưng ngành điều Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tốc độ tăng trưởng sản xuất chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến. Ngành điều Việt Nam đang bị mất cân đối nghiêm trọng giữa năng lực chế biến và sản lượng sản xuất nội địa. Để giữ vững vị thế dẫn đầu thế giới, ngành điều Việt Nam cần phải tập trung cải thiện năng suất và chất lượng hạt điều, từ đó tìm kiếm cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

7.      Cao su

Khối lượng xuất khẩu cao su tháng 2/2019 ước đạt 71 nghìn tấn với giá trị đạt 93 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm 2019 đạt 228 nghìn tấn và 293 triệu USD, tăng 22,4% về khối lượng và tăng 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 năm 2019, chiếm 77,88% kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Trong tháng 1/2019, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh với kim ngạch xuất khẩu đạt 131,6 triệu USD (tăng 21,8% so với tháng 1/2018), Ấn Độ đạt 17,79 triệu USD (tăng 7,8%). Mặc dù tăng trưởng về giá trị nhưng giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2019 đạt 1.271 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 2/2019 ước đạt 36 nghìn tấn với giá trị đạt 64 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 97 nghìn tấn với giá trị 166 triệu USD, tăng 1,4% về khối lượng nhưng lại giảm 0,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong tháng 1 năm 2019 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Đài Loan, chiếm 53,1% kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Trên thị trường thế giới, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy giá cao su trên thị trường thế giới, Hiệp hội ba nhà xuất khẩu cao su gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhất trí thông qua kế hoạch cắt giảm sản lượng cao su xuất khẩu. Được biết, lượng cắt giảm trong kế hoạch này có thể lên tới 300 nghìn tấn. Con số cụ thể sẽ được đưa ra thảo luận giữa 3 nhà xuất khẩu này vào ngày 4 tháng 3 sắp tới. Việc giá dầu thô liên tục tăng kể từ mức 45,63 USD/thùng cuối tháng 12/2018 lên mức 56,79 USD/thùng là yếu tố tích cực thúc đây nhu cầu thị trường cao su tự nhiên.

Trong hai tháng đầu năm 2019, giá cao su có dấu hiệu phục hồi tốt. Ngày 27/02/2019 giá cao su trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đạt mức 191,2 yên/kg, tăng 41% so với mức thấp nhất là 135,6 yên/kg vào tháng 11/2018.

 

Theo EIU (Economic Intelligent Unit), mức tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2019 và 2020 dự báo sẽ chậm lại, còn 2,5%/năm. Thấp hơn mức tăng trưởng ước tính 4% của năm 2018, nguyên nhân bởi kinh tế thế giới tăng chậm dần, chủ yếu do kinh tế Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng sẽ yếu đi trong năm 2019.

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn có nhiều dự báo cho rằng nhu cầu của nhà đầu tư cao su cũng như lượng tiêu thụ ô tô sẽ mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn về căng thằng thương mại, bất cứ động thái nào của Mỹ áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đều có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu cao su tự nhiên, nhất là trong ngắn hạn.

Về nguồn cung, EIU dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu cũng sẽ tăng chậm lại, còn khoảng 1%/năm trong năm nay và năm tới do tồn kho còn nhiều và giá thấp kéo dài trong thời gian qua.

8.      Chè

Khối lượng xuất khẩu chè tháng 2/2019 ước đạt 7 nghìn tấn với giá trị đạt 10 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 2 tháng đầu năm 2019 đạt 19 nghìn tấn và 31 triệu USD, tăng 14,3% về khối lượng và tăng 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2019 đạt 1.767 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2018.

 

 

Mức tăng của xuất khẩu chè trong 2 tháng đầu năm 2019 chủ yếu đến từ sự tăng trưởng đáng kể của thị trường Pakistan. Trong tháng 1/2019, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan (Thị trường lớn nhất của Việt Nam với 39,3% thị phần) tăng gấp 2,1 lần về khối lượng và tăng 92,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, lượng xuất khẩu chè sang hầu hết các thị trường chính khác lại giảm.

Tại thị trường trong nước, giá chè nguyên liệu sau Tết không có nhiều biến động do khá ổn định từ trước Tết. Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giữ mức 200.000 đ/kg, chè xanh búp khô là 105.000 đ/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) giữ mức 140.000 đ/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành trở lại mức 8.500 đ/kg, giá chè hạt 7.500 đ/kg sau khi tăng lần lượt 500 đ/kg và 300 đ/kg vào tuần sát Tết.

Trong khoảng 5 năm tới, thị trường chè được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong cả sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể, mức tiêu thụ chè bình quân đầu người đã tăng khoảng 3,5% trong năm 2017 so với năm 2016 và được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 3% vào năm 2021. Xuất khẩu chè cũng sẽ tăng. Do đó, việc tiêu thụ chè ngày càng tăng được dự kiến sẽ là động lực chính cho thị trường trong giai đoạn.

9.      Thủy sản

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2 năm 2019 ước đạt 372 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2019 đạt 1,11 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng 1 năm 2019, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong tháng 1 năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Mehico (tăng 32,4%), Canada (tăng 27,8%), Hoa Kỳ (24,9%), Nhật Bản (tăng 17,7%) và Anh (tăng 16,5%)

 

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 2/2019 đạt 91 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 247 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong tháng 1 năm  2019 là Na Uy (chiếm 12,7% thị phần) tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia với thị phần lần lượt là 11,4%, 9,8% và 8,9%. Trong tháng 1 năm 2019 giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2018 là thị trường Hoa Kỳ (tăng 64,8%), tiếp đến là thị trường Hàn Quốc (tăng 43,1%).

Thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng giảm nhẹ 1.000 đ/kg xuống còn 28.000 – 28.500 đ/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con). Nguồn cung cá nguyên liệu gia tăng sau kỳ nghỉ Tết trong khi đơn đặt hàng ở mức thấp khiến giá cá nguyên liệu sụt giảm.

Đối với thị trường tôm, giá tôm sú sống tại thị trường trong nước trong tháng tiếp tục tăng, sau kỳ nghỉ Tết người dân muốn chuyển sang dùng hải sản thay cho thịt nên mặt hàng tôm nguyên liệu tăng nhẹ. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú sống (oxy) cỡ 20 - 40 con/kg tăng 80-100.000 đ/kg so với tháng trước lên mức 230.000 – 370.000 đ/kg; tôm sú ướp đá cỡ cỡ 30-40 con/kg tăng 10.000 đ/kg đạt 130.000-180.000 đ/kg. Giá tôm thẻ ướp đá biến động tùy thời điểm trong tháng nhưng hiện ở mức tương đương với tháng trước (cỡ 60 con/kg: 100.000-102.000 đ/kg; cỡ 70 con/kg: 90.000-92.000 đ/kg, cỡ 100

con/kg: 80.000-82.000 đ/kg).

 

 

Liên hiệp Thủy sản Myanmar (MFF) cùng công ty TNHH Global Earth Public đang hoàn thiện dự án tại khu vực Ayeyawady, để sản xuất cá da trơn cho xuất khẩu. Dự án bao gồm các trang trại nuôi cá, các nhà máy TACN, nhà máy chế biến và kho lạnh. Dự án đang triển khai nuôi 6 triệu cá giống và hiện đang chuẩn bị 404 ha để nuôi cá thành phẩm. Tất cả cá sản xuất trong dự án nhằm mục tiêu xuất khẩu. Thị trường chính cho cá da trơn Myanmar là Trung Quốc vì vậy trong thời gian tới các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam sẽ gặp nhiều sự cạnh tranh với Myanmar tại thị trường Trung Quốc.

Riêng đối với ngành tôm, ngày 14/1/2019, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Tôm Việt Nam xuất đi Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này. Các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển khi số người độc thân gia tăng, tỷ lệ nội trợ giảm. Để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, doanh nghiệp nên đổi mới phương thức tiếp cận thị trường cùng với quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu cho sản phẩm của mình, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Dự báo năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số so với năm 2018.

 

10.    Sản phẩm chăn nuôi

 

Trong tháng 2/2019, tình hình chăn nuôi trong nước nhìn chung ổn định, riêng đàn trâu giảm do diện tích chăn thả thu hẹp. Theo ước tính tháng 2/2019 của Tổng cục Thống kê, đàn bò cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2018; đàn lợn tăng 3%; đàn gia cầm tăng 6%; đàn trâu giảm 2,8%. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với thách thức to lớn khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã bùng phát tại 4 tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa mặc dù các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tất cả lợn nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đang xem xét một số giải pháp ứng phó như hạn chế, thậm chí ngăn cấm vận chuyển lợn tùy theo khu vực, thời điểm và tình hình dịch bệnh; nghiêm cấm sử dụng thức ăn thừa cho lợn trong giai đoạn này. Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp & PTNT cảnh báo các địa phương không chủ quan về nguy cơ dịch ASF lan rộng do buôn lậu vật nuôi xuyên biên giới và du lịch, virus ASF có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn sấy khô hoặc đã giết mổ.

 

Trong tháng 2/2019, giá lợn hơi trong nước diễn biến trái chiều tại các khu vực. Tại miền Bắc, do xuất hiện dịch ASF, giá lợn hơi giảm tại một số địa phương, cụ thể  tại Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc giảm 1.000 đ/kg, xuống 47.000 – 48.000 đ/kg; Tuyên Quang giảm 2.000 đ/kg xuống 46.000 đ/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại khu vực miền Nam tăng 2.000 đ/kg do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung giảm nhẹ, dao động trong khoảng 50.000 – 57.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung tương đối ổn định, dao động trong khoảng 44.000 –52.000 đ/kg.

Giá gà thịt lông màu khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 2.000 – 4.000 đ/kg lên mức 37.000 – 38.000 đ/kg do nhu cầu tăng. Giá gà thịt lông trắng ở hai khu vực này giảm nhẹ 2.000 đ/kg xuống còn 27.000 – 28.000 đ/kg. Giá trứng gà bán tại trại tại hai khu vực này giảm 100 đ/quả xuống còn 1.250 đ/quả, do thị trường tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung từ các trang trại chăn nuôi khá dồi dào.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 2 năm 2019 ước đạt 32 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu chăn nuôi 2 tháng đầu năm 2019 đạt 77 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 1/2019, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ lợn đạt 5 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2018; tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi từ gia cầm và trâu, bò chỉ đạt lần lượt là 2,85 triệu USD và 35,1 nghìn USD, giảm 1,3% và 71,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Do dịch ASF xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá lợn hơi trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch ASF. Hiện Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm từ lợn sang quốc gia này vì dịch ASF.

11.  Gỗ và sản phẩm từ gỗ

Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 2/2019 ước đạt 392 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2019 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là ngành có thặng dư thương mại trong tháng đầu năm 2019 cao nhất trong nhóm hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với giá trị thặng dư đạt 730 triệu USD. Trong tháng 1, tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao như Mỹ (tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2018), Đức (tăng 45,1%) và Anh (tăng 24,3%) là yếu tố đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ trong 2 tháng đầu năm.

 

Giá trị nhập khẩu tháng 2/2019 ước đạt 104 triệu USD, đưa tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 355 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 1 năm 2019, nhập khẩu gỗ từ các thị trường chính tăng khá. Nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ từ Trung Quốc đạt 46,9 triệu USD (tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2017), Mỹ đạt 31,5 triệu USD (tăng 17,8%), từ Chi Lê đạt 11,2 triệu USD tăng 145,8%. Việt Nam hiện nay nhập khẩu gỗ từ khá nhiều thị trường. Trong đó, một số thị trường có tỉnh rủi ro cao như Lào và Campuchia, nguồn gỗ nhập lậu từ các thị trường này rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, lượng gỗ nhập khẩu từ Campuchia đã giảm mạnh, trong tháng 1/2019 đã giảm 58,34% so với năm 2018.. Bên cạnh đó, việc Bộ Công thương ký ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên góp phần làm giảm nhập khẩu gỗ từ Campuchia trong những tháng cuối năm 2018 và hai tháng đầu năm 2019. Các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu bắt nhịp các quy định của FLEGT, điển hình là việc đảm bảo nguồn gốc gỗ nhập khẩu. Theo Thời báo tài chính Việt Nam, Hữu Bằng là làng nghề sản xuất và chế biến đồ gỗ tiêu thụ nội địa lớn, trước đây có nhiều doanh nhập gỗ từ Campuchia nhưng đến nay gần 100% gỗ nhập của các cơ sở kinh doanh của làng nghề là hợp pháp, chủ yếu từ thị trường châu Âu, Châu Phi.

Trên thị trường thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo cơ hội trong ngắn hạn cho nhiều nhà xuất khẩu gỗ lớn trên thế giới cũng như sự chuyển hướng thị trường đầu tư, xuất khẩu của hai nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới này. Theo báo cáo của Tổ chức gỗ nhiệt đới (ITTO), căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ dẫn tới việc Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu gỗ từ Mỹ từ mức 10% lên mức 25% kể từ tháng 3/2019 (Trung Quốc chiếm khoảng hơn 50% tỷ trọng xuất khẩu gỗ cứng của Mỹ). Chính vì vậy, các nhà xuất khẩu gỗ của Mỹ đã tích cực tìm kiếm và mở rộng xuất khẩu gỗ cứng sang thị trường EU. Đứng trước cơ hội này, Indonesia đã thúc giục các doanh nghiệp gỗ trong nước đẩy mạnh tìm hiểu và xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ. Indonesia là một trong top 10 nhà xuất khẩu gỗ nhiệt đới lớn nhất thế giới, đạt thặng dư 99,1 triệu USD (giá trị xuất khẩu gỗ của Indonesia sang Mỹ đạt trên 1,4 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2018.

Sự chuyển hướng thị trường đầu tư của Trung Quốc tạo ra nhiều những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là rủi ro cho ngành gỗ của Việt Nam. Theo tạp chí Gỗ Việt (số 108), hiện cơ quan thương mại của Mỹ tiến hành điều tra việc gian lận thuế đối với một số công ty của Trung Quốc khi các công ty này chuyển một số mặt hàng gỗ ván ép được sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, lấy nhãn mác sản xuất từ Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ. Có thể thấy, các cơ quan thương mại của Mỹ đã nhận thức được khả năng lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua việc sử dụng nhãn mác sản xuất từ Việt Nam. Với bối cảnh căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều khả năng trong năm 2019 sẽ còn nhiều vụ điều tra gian lận thuế đối với các công ty của Trung Quốc.

Trong năm 2019, việc FLEGT có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ  từ Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bước đầu đã có những chuẩn bị, đặc biệt là việc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ gỗ cho các sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

 

Trích nguồn:

 

 

 

Trung tâm Tin học và Thống kê

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn

----------------------------------------------------------------

Trụ sở chính

Công ty TNHH cao su Đắk Lắk (DAKLAORUCO)
Địa chỉ: Nhà số 236 đường số 11, Bản Tha Luống , Thành phố Pakse, Tỉnh Champasak, Lào PDR.
Tel: +856 31212570; Fax: +856 31252982
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Website: www.daklaoruco.com